Một chiếc đèn ốp trần trang trí tuyệt đẹp là miếng ghép hoàn hảo cuối cùng để hoàn thiện không gian thiết kế và thường là điểm nhấn cho ngôi nhà của bạn. Nhưng cũng giống như những món đồ trang sức quý giá, các đèn ốp trần cũng cần phải được vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ. Khi bụi bặm bám trên đèn có thể nhìn thấy rõ ràng hoặc làm giảm khả năng chiếu sáng của đèn thì lúc này chính là thời điểm chúng ta cần vệ sinh, làm sạch lại những chiếc đèn. Việc này nghe có vẻ khó nhưng chúng ta nên làm và hoàn toàn có thể làm được theo cách dưới đây:
1. Chú ý an toàn khi vệ sinh đèn
Đèn ốp trần được gắn vào hệ thống điện và được ốp thẳng vào trần nhà, nên bạn cần phải chú ý đảm bảo an toàn trước khi tiến hành vệ sinh đèn.
Bước đầu tiên khi vệ sinh bất cứ loại đèn chiếu sáng nào đều là phải ngắt nguồn điện trước khi phải tiếp xúc trực tiếp với thiết bị đó.
Đối với thiết bị ở trên cao thì cần phải chuẩn bị ghế đẩu hoặc thang hoặc thậm chí là xe nâng để đảm bảo độ vững chắc khi chúng ta làm việc trên cao là quy tắc an toàn bắt buộc.
2. Kiểm tra danh sách vật dụng cần chuẩn bị
Trước khi bắt đầu, bạn nên kiểm tra danh sách vật dụng cần chuẩn bị xem đã đủ chưa để không phải trèo lên trèo xuống thang nhiều lần.
Dụng cụ cần chuẩn bị bao gồm:
- Một miếng vải mịn
- Giấy phủi bụi
- Bình xịt khí
- Bình xịt nước
- Dung dịch vệ sinh đa năng
- Tua vít đầu nhiều cạnh
- Tua vít đầu dẹt
- Bóng đèn thay thế
3. Các bước vệ sinh đèn ốp trần
Bước 1 : Tắt nguồn điện
Nghe có vẻ cơ bản nhưng vô cùng quan trọng. Để đảm bảo sự an toàn của bạn cũng như độ bền của thiết bị, nhất định phải ngắt điện của thiết bị trước khi vệ sinh. Có thể tắt thiết bị từ công tắc trực tiếp nhưng bạn nên ngắt luôn cả cầu dao của thiết bị đó cho chắc chắn.
Bước 2 : Tháo chụp đèn
Nếu đèn ốp trần có chụp đèn thì phải tháo bỏ trước khi lau dọn. Đặt chụp đèn trên một chiếc khăn cũ và để gọn vào một chỗ cách xa khu vực vệ sinh đèn. Khi vệ sinh các thiết bị treo trên cao bạn nên đặt một chiếc khăn to hoặc tấm chăn bên dưới để sàn nhà không bị dính bụi bẩn.
Bước 3 : Vệ sinh khung đèn
Sau khi đã tháo bỏ chụp đèn và thiết bị khuếch tán (nếu có) thì chúng ta bắt đầu lau khung đèn. Tùy vào vật liệu của khung đèn mà chúng ta sử dụng phương pháp vệ sinh cho phù hợp. Nếu đã có hướng dẫn vệ sinh từ nhà sản xuất thì chỉ cần thực hiện theo, nếu không thì có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây:
- Thủy tinh và sứ : thủy tinh trắng đục, thủy tinh khắc axit hoặc thủy tinh thổi là những vật liệu dễ làm sạch nhất. Chỉ cần dùng một miếng vải mịn để lau khi chỉ bị nhiễm bụi thông thường. Với đèn lắp đặt ở những nơi ẩm ướt hoặc nhiều dầu mỡ (như nhà tắm hoặc bếp) thì nên dùng vải ẩm để lau nhưng phải đảm bảo là đèn được lau thật khô và không để lại vệt nước nào. Các chụp đèn đã tháo ra có thể rửa bằng nước ấm pha một chút nước rửa chén (phải cẩn thận vì dễ bị trượt tay). Nếu thiết bị chiếu sáng thủy tinh được sơn, mạ vàng hoặc có các lớp phủ khác trên bề mặt thì nhất định chỉ lau khô thôi.
- Pha lê: đây là loại vật liệu rất khó làm sạch vì luôn phải giữ cho đường viền pha lê sắc nét lấp lánh. Có thể dùng bình xịt khí để thổi bay bụi hoặc mua dụng cụ vệ sinh chuyên dụng cho đèn thả pha lê ở các cửa hàng thiết bị nội thất.
- Kim loại : dùng vải mịn để lau bụi trên bề mặt kim loại. Với những bề mặt có lớp phủ bóng thì có thể dùng dung dịch tẩy rửa chuyên dụng cho bề mặt thủy tinh và kim loại để lau, có thể loại bỏ được cả những vết bẩn cứng đầu hoặc dầu mỡ. Cẩn trọng với những bề mặt thiết kế xước, giả oxi hóa và giả cổ vì lớp hoàn thiện này thường được phủ lên cuối cùng và có thể bị lau đi bằng dung dịch tẩy rửa.
- Vải và giấy : đây là vật liệu phổ biến của chụp đèn – là phần nên được làm sạch thường xuyên nhất do dễ bị hư hại bởi bụi tích tụ. Đầu tiên nên dùng bình xịt khí để thổi bay lớp bụi bên ngoài sau đó sử dụng giấy phủi bụi để cọ những phần còn bám dính lại. Chụp đèn bằng vải thường chỉ làm sạch khô nhưng hiện nay có nhiều vật liệu rất bền được tạo ra để dùng ngoài trời nên bạn có thể tham khảo từ các nhà cung cấp. Nếu sử dụng loại vật liệu này thì hoàn toàn có thể làm sạch bằng vòi nước.
- Gỗ : tùy vào lớp phủ bề mặt gỗ mà chúng ta có thể lựa chọn phương pháp vệ sinh phù hợp. Việc làm sạch cũng giống như đối với chất liệu vải: đầu tiên dùng bình xịt khí sau đó dùng giấy phủi bụi. Làm sạch cẩn thận hơn với những bề mặt vân gỗ nổi hoặc bị nứt (khi sử dụng gỗ công nghiệp) vì bụi thường lắng xuống các đường vân sâu hơn và bám vào thớ gỗ.
- Acrylic và nhựa : gần giống như thủy tinh, hai loại vật liệu này rất dễ để làm sạch. Chỉ cần dùng một miếng vải mịn khô cho bụi thông thường và hơi ẩm cho những vết bẩn khó sạch. Riêng chụp đèn thì không nên rửa toàn bộ bằng nước vì dễ để lại các vệt nước đốm nước khó lau sạch.
Bước 4 : Thay bóng đèn
Để tiết kiệm thời gian thì bạn nên tận dụng những lúc vệ sinh đèn để xem xét xem có bóng đèn nào cần thay không. Không cần thay toàn bộ mà chỉ thay bóng đèn nào trông mờ hơn những bóng khác.
Bước 5 : Chú ý những bộ phận này khi vệ sinh để đèn sạch hơn
- Bát đèn treo: nếu đèn của bạn là dạng bát treo thì không những phải làm sạch phần bát đèn mà còn phải lau cả bóng đèn nữa nếu không có ý định thay bóng đèn. Những bóng đèn Compact hoặc LED không bị tỏa nhiệt khi chiếu sáng thì việc bị một lớp bụi phủ lên trên có lẽ không quá nguy hiểm nhưng sẽ là vấn đề lớn đối với bóng đèn sợi đốt.
- Đèn ốp trần dạng trống: đây cũng là loại đèn dễ tích bụi. Hãy nhớ tháo toàn bộ thiết bị khuếch tán cả dưới và trên (nếu có) để có thể làm sạch đèn hoàn toàn.
- Đèn có dây treo bằng vải: không nên lau chùi phần dây vải này vì chỉ làm cho bụi càng bám sâu vào trong lớp vải, chỉ nên dùng bình xịt khí để thổi bụi đi và dùng giấy phủi bụi để thấm bụi còn lại.
Bước 6 : Lắp ráp lại
Nếu không nhớ thì nên ghi chú hoặc chụp ảnh lại thiết bị trong khi tháo rời để sau đó có thể dễ dàng lắp lại được.
Thế là xong quá trình vệ sinh đèn ốp trần. Mặc dù không cần phải vệ sinh hàng tuần nhưng đèn trang trí nên được vệ sinh khoảng vài tháng một lần sẽ giúp đèn sáng hơn và có tuổi thọ lâu hơn.